Interest rate là gì? Vì sao trader cần quan tâm?

Admin 08/02/2020

Trong một nền kinh tế, hầu như tất cả các thực thể, các tầng lớp, các bộ phận đều quan tâm đến một vấn đề, đó chính là lãi suất. Những ngân hàng thương mại quan tâm đến mức lãi suất cơ bản được công bố bởi Ngân hàng trung ương, những nhà đầu tư trên các thị trường ngoại hối, chứng khoán hay tiền điện tử quan tâm đến lãi suất vì chúng ảnh hưởng đến giá cả của các loại tài sản tài chính mà họ đang đầu tư. Những công ty, xí nghiệp thì quan tâm đến lãi suất cho vay của ngân hàng để đưa ra các quyết định vay vốn mở rộng sản xuất. Các tầng lớp có vốn nhàn rỗi thì lại quan tâm đến lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng để chọn ra nơi mà tiền của mình khi được gửi vào đó sẽ thu về nhiều lợi nhuận nhất…thì hầu như ai cũng đều quan tâm đến lãi suất vì lãi suất gắn liền với với các hoạt động tài chính hằng ngày của họ.

Vậy thì lãi suất là gì và lãi suất ảnh hưởng trực tiếp như thế nào đến thị trường nói chung và thị trường forex nói riêng, thì trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu.

Lãi suất (interest rate) là gì?

Khi xem một bài phân tích hay một tin tức nào đó về lãi suất, chúng ta thường thấy lãi suất lúc được viết là interest rates, lúc thì viết là interest rate. Vậy thì đâu là viết đúng đâu là viết sai?

Thực ra thì cả 2 đều đúng. Interest rates là khi nói chung đến lãi suất trên thị trường, là tập hợp của rất nhiều loại lãi suất khác nhau. Còn khi nói đến một lãi suất cụ thể nào đó, trong một bối cảnh và thị trường đang phục vụ cho một đối tượng nhất định thì sẽ dùng interest rate. Mỗi interest rate sẽ mang một sắc thái riêng, có mức độ tác động khác nhau đến các đối tượng được áp dụng.

Hiểu một cách đơn giản thì lãi suất là phí mà người đi vay phải trả cho người cho vay. Khoản phí đó là một sự “đền bù” cho người cho vay khi đã cho người khác vay tiền, trong khi họ có thể sử dụng nguồn vốn đó để đầu tư vào một lĩnh vực khác thu về nhiều lợi nhuận hơn.

Lãi suất được tính bằng tỷ lệ phần trăm giữa tiền lãi vay trong một thời kỳ chia cho số vốn gốc đã vay.

Ngân hàng trung ương chính là cơ quan điều hành lãi suất trên thị trường thông qua các chính sách tiền tệ.

Tác động của lãi suất đến tỷ giá hối đoái

Lãi suất chính là công cụ được Ngân hàng trung ương sử dụng để điều chỉnh tỷ giá hối đoái trên thị trường, điều chỉnh giá trị của đồng nội tệ.

Một chính sách lãi suất cao sẽ làm cho đồng nội tệ của quốc gia đó tăng giá. Điều này được giải thích như sau: khi lãi suất trong nước tăng so với lãi suất nước ngoài, những nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhanh chóng đổ xô vào đầu tư trong nước để hướng mức lãi suất cao đó làm cho cầu đồng nội tệ tăng, đồng nội tệ sẽ tăng giá. Ngược lại, một chính sách lãi suất giảm sẽ làm cho đồng nội tệ bị mất giá hay giảm giá.

Ví dụ: Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) ra công bố tăng lãi suất, điều này làm cho đồng USD tăng giá so với các đồng ngoại tệ khác, trên thị trường forex, tỷ giá các cặp tiền tệ như USD/EUR, USD/CAD hay USD/CHF đồng loạt tăng.

Động thái của nhà đầu tư trước những chính sách về lãi suất

Đối với các nhà đầu tư theo trường phái phân tích cơ bản thì việc xem xét và phân tích xu hướng giá dựa vào các tin tức là điều không thể thiếu. Và một trong các tin tức ảnh hưởng đến giá cả trên thị trường chính là lãi suất.

Để theo dõi tình hình lãi suất trên các thị trường, nhà đầu tư phải quan tâm đến các chính sách lãi suất của các ngân hàng trung ương thông qua Lịch kinh tế, theo dõi thời gian công bố hay các cuộc họp về các chính sách tiền tệ của từng ngân hàng, để kịp thời nắm bắt thông tin và phản ứng lại với các tác động mà lãi suất đem lại cho thị trường forex.

Thị trường forex bao gồm tỷ giá của rất nhiều cặp tiền tệ, trong đó 8 loại tiền tệ cơ bản và ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường forex Thế giới, đó là EUR, USD, CAD, CHF, JPY, GBP, NZD và AUD. Ngân hàng trung ương tại các quốc gia của các đồng tiền này sẽ là cơ quan ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường forex, bao gồm FED (Cục dự trữ liên bang Mỹ), ECB (Ngân hàng trung ương Châu Âu), BoE (Ngân hàng Anh), BOJ (Ngân hàng Nhật Bản), BOC (Ngân hàng Canada), RBA (Ngân hàng Úc), RBNZ (Ngân hàng New Zealand).

Thường thì ngân hàng trung ương sẽ công bố chính sách về lãi suất tại các cuộc họp, nhà đầu tư phải nắm được thời gian tổ chức các cuộc họp này để theo dõi những chính sách thông qua một số công cụ như Lịch kinh tế, hay các tin tức trên các phương tiện truyền thông

Các công bố về Quyết định lãi suất sẽ được thể hiện trên Lịch kinh tế như hình dưới. Các giá trị quan tâm bao gồm lãi suất quá khứ, lãi suất dự báo và lãi suất thực tế.

Hình trên là Lịch kinh tế vào ngày 7/8/2019, vào lúc 2:00 sáng, Quyết định lãi suất của ngân hàng RBNZ được công bố. Có 3 giá trị lãi suất được thể hiện trên tin tức tức đó, là lãi suất quá khứ, lãi suất dự báo và lãi suất thực xảy ra. Khi một tin tức được công bố, nhà đầu tư so sánh giữa giá trị thực và giá trị dự báo, nếu lãi suất thực giảm so với dự báo thì có thể kỳ vọng đồng NZD sẽ giảm giá và ngược lại.

Ví dụ: với tin tức như trên, lãi suất công bố thấp hơn lãi suất dự báo nên nhà đầu tư có thể kỳ vọng giá của NZD sẽ giảm trong thời gian tới. Và thực tế là sau thời gian tin tức được công bố khoảng 3 tiếng thì giá NZD giảm làm cho các cặp tỷ giá NZD/USD, NZD/CAD, NZD/CHF… đồng loạt giảm mạnh trên thị trường. Hình dưới là giá của NZD/USD vào thời điểm công bố tin lãi suất ở khung thời gian H1

Sau 2 đợt giảm mạnh khi tin tức lãi suất được công bố, giá bắt đầu đi lên lại, nhưng xét trong dài hạn thì chính sách giảm lãi suất của ngân hàng RBNZ đã thực sự tác động đến tỷ giá, cụ thể là tỷ giá của NZD/USD đã giảm đến cuối tháng.

Cây nến được khoanh tròn trong hình là cây nến ngày 7/8/2019 và một đợt giảm giá từ ngày đó đến cuối tháng đã chứng tỏ được một phần nào đó tác động trong dài hạn của lãi suất đến tỷ giá.

Tại thời điểm các ngân hàng trung ương công bố lãi suất, thị trường forex biến động rất mạnh trên những cặp tỷ giá có liên quan, nếu giao dịch tại thời điểm này, nhà đầu tư sẽ đem về lợi nhuận rất lớn, nhưng ngược lại rủi ro cũng rất cao nếu như dự đoán của nhà đầu tư đi ngược với xu hướng tác động của lãi suất. Chính vì thế, những nhà đầu tư an toàn thường lựa chọn việc phân tích tác động của lãi suất đến thị trường sau khi các chính sách về lãi suất đã được công bố, từ đó có được cái nhìn tổng quan và toàn diện hơn về xu hướng của đồng tiền trong trung hạn và dài hạn.

Tuy nhiên, việc tận dụng những tin tức về lãi suất để giao dịch như thế nào trên thị trường còn phụ thuộc vào nhu cầu và khẩu vị của mỗi người.

Nên hay không nên giao dịch với các tin tức về lãi suất

Lãi suất và tỷ giá chỉ có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau một cách gián tiếp chứ không phải là mối quan hệ trực tiếp hay nhân quả. Bên cạnh lãi suất thì các yếu tố khác như chính trị, xã hội cũng tác động rất lớn đến tỷ giá. Chính vì thế, một chính sách lãi suất được công bố có thể tác động rất lớn đến tỷ giá, nhưng cũng có thể tác động rất nhỏ, thậm chí là không làm thay đổi tỷ giá, nên lãi suất không được xem là một tín hiệu mạnh để nhà đầu tư giao dịch trên thị trường.

Hơn nữa, nếu tỷ giá thực sự biến động bởi các chính sách về lãi suất, thì những sự biến động này cũng chỉ là tạm thời, thị trường sẽ tự động điều chỉnh mối quan hệ cung cầu, khi cung cầu cân bằng, đồng tiền trở về đúng giá trị của nó.

Ví dụ: lãi suất tăng, điều này có thể thu hút nguồn vốn từ những nhà đầu tư nước ngoài đổ vào trong nước, nhu cầu chuyển đổi từ đồng ngoại tệ sang nội tệ tăng, như đã phân tích lúc đầu. Tuy nhiên, nếu tình hình chính trị, xã hội trong nước không ổn định, thì mối quan tâm đầu tiên của những nhà đầu tư nước ngoài là sự an toàn cho nguồn vốn của họ chứ không phải là vấn đề thu được nhiều lợi nhuận từ lãi suất mang lại, cho nên ảnh hưởng của việc lãi suất tăng làm cho đồng nội tệ tăng giá lúc này là không đáng kể.

Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư vẫn có hứng thú trade với các tin tức lãi suất thì nên kiểm chứng lại các dự báo của mình với các chỉ số khác như lạm phát, tình hình nền kinh tế hay tỷ lệ thất nghiệp của quốc gia đó, thậm chí kết hợp với phân tích kỹ thuật trên biểu đồ để có thể chắc chắn hơn với những dự đoán của mình.

Bài viết liên quan
Đòn bẩy tài chính là gì?
Đòn bẩy tài chính là gì?
16/08/2021

Đòn bẩy tài chính, một trợ thủ đắc lực trong các hoạt động đầu tư tài chính. Nếu sử dụng đòn bẩy tài chính hợp…

Định chế tài chính là gì?
Định chế tài chính là gì?
22/07/2021

Định chế tài chính – một khái niệm chỉ bao quát chung cho các tổ chức tài chính như Ngân hàng, Công ty môi giới…