Tài sản tài chính là gì?

Admin 10/02/2020

Tài sản tài chính là khái niệm cơ bản đầu tiên mà tất cả nhà đầu tư khi tham gia vào bất kỳ một thị trường tài chính nào cũng cần phải nắm rõ. Tài sản tài chính là một loại tài sản có giá trị thậm chí giá trị là rất lớn, chính vì thế nó liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhà đầu tư trong cả hiện tại lẫn tương lai. Hiểu được các tính chất cũng như ưu nhược điểm của tài sản tài chính giúp nhà đầu đưa ra quyết định nên hay không nên đầu tư vào loại tài sản này.

Khái niệm tài sản tài chính

Tài sản (assets) nói chung là bất cứ một vật sở hữu nào mà có giá trị trong trao đổi. Tài sản bao gồm 2 loại: tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Tài sản hữu hình là những tài sản có giá trị phụ thuộc vào những đặc tính tự nhiên hay vật lý của nó, như nhà cửa, đất đai hay hàng hóa phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng. Tài sản vô hình là tài sản mà giá trị của nó không liên quan gì đến hình thức vật lý mà dựa vào trái quyền hợp pháp (là quyền của một người được phép yêu cầu một người khác thực hiện các nghĩa vụ tài sản đối với mình) trên một lợi ích tương lai nào đó.

Tài sản tài chính (financial assets) là một loại tài sản vô hình. Tài sản tài chính không trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất mà chỉ là những chứng chỉ bằng giấy hoặc là các dữ liệu trên máy tính. Lợi ích trong tương lai của các tài sản tài chính là các khoản tiền lãi hay lợi nhuận. Giá cả của chúng thì phụ thuộc vào quy tắc cung-cầu trên thị trường.

Tài sản tài chính còn được gọi là các công cụ tài chính, bao gồm các loại như trái phiếu, cổ phiếu,  chứng chỉ tiền gửi, chứng khoán phái sinh… và các giấy tờ có giá khác.

Người sở hữu các tài sản tài chính thì gọi là nhà đầu tư (cá nhân hoặc tổ chức). Người chịu trách nhiệm thanh toán các tài sản tài chính trong tương lai thì gọi là nhà phát hành (có thể là Chính phủ, các tổ chức tài chính hay doanh nghiệp).

Phân loại tài sản tài chính

Tài sản tài chính được chia thành 2 loại: công cụ nợ (debt instrument) và công cụ vốn (equity instrument)

  • Công cụ nợ: là loại tài sản tài chính mà người sở hữu nó sẽ nhận các dòng tiền được ấn định trước trong tương lai. Ví dụ: trái phiếu chính phủ, tín phiếu kho bạc, sổ tiết kiệm…
  • Công cụ vốn: là loại tài sản tài chính mà người sở hữu sẽ được nhận các khoản lợi nhuận phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của nhà phát hành hoặc phụ thuộc trực tiếp vào các hoạt động đầu tư, mua bán các tài sản đó của nhà đầu tư trên thị trường. Ví dụ: cổ phiếu thường, chứng khoán phái sinh…

Một số tài sản tài chính phổ biến

  • Cổ phiếu (Shares): là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành. Nhà đầu tư mua cổ phiếu sẽ trở thành cổ đông của công ty. Công ty có lợi nhuận thì nhà đầu tư cũng có lợi nhuận mà công ty thua lỗ thì nhà đầu tư cũng chịu thua lỗ. Cổ phiếu không có ngày đáo hạn và nhà đầu tư được quyền mua bán với nhau trên thị trường.
  • Trái phiếu (Bonds): là một chứng chỉ nợ do Chính phủ, các cơ quan chính quyền địa phương hoặc doanh nghiệp phát hành. Trái phiếu có thời gian đáo hạn cụ thể, người nắm giữ sẽ nhận cổ tức được trả theo từng kỳ và khi đáo hạn sẽ nhận được một số tiền bằng với mệnh giá. Trái phiếu chính phủ là một loại tài sản tài chính không có rủi ro, trừ khi Chính phủ hay nhà nước đó sụp đổ.
  • Công cụ phái sinh (Derivative): là những tài sản tài chính mà giá trị của nó phụ thuộc vào giá trị của các tài sản cơ sở. Các công cụ này giúp nhà đầu tư có thể tìm kiếm lợi nhuận dựa trên sự biến động giá của tài sản cơ sở.
  • Chứng chỉ tiền gửi CDs là một loại giấy tờ có giá do ngân hàng phát hành nhằm mục đích huy động vốn từ các cá nhân hay tổ chức khác. Lãi suất của các CDs thường cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm, loại tài sản tài chính này có tính thanh khoản thấp.
  • Tiền tệ (Currencies): là loại tài sản tài chính đặc thù trên thị trường ngoại hối (forex). Nhà đầu tư có thể tìm kiếm lợi nhuận nhờ vào sự biến động giá liên tục trên thị trường. Với những đặc tính nổi bật như khối lượng giao dịch lớn, thời gian giao dịch 24/24 và sự đa dạng của các cặp tiền đã khiến thị trường này ngày càng thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Tính chất của tài sản tài chính

Tài sản tài chính có rất nhiều tính chất đặc trưng

  • Tính tiền tệ: một số tài sản tài chính có thể làm phương tiện trao đổi và thanh toán
  • Tính phân chia giá trị: tài sản tài chính có thể có mệnh giá (trái phiếu chính phủ)
  • Tính thời hạn: tài sản tài chính có thời gian đáo hạn nhất định, là thời điểm mà nhà phát hành phải thực hiện các nghĩa vụ thanh toán cho người sở hữu
  • Tính thanh khoản: các tài sản tài chính có thể thanh lý và thu hồi về tiền mặt
  • Tính chuyển đổi: tài sản tài chính có thể chuyển đổi từ loại này sang loại khác, như từ cổ phiếu ưu đãi sang cổ phiếu thường
  • Tính sinh lợi: bất kể một tài sản tài chính nào cũng đều có khả năng sinh lợi, có thể là cổ tức hay tiền lãi hay lợi nhuận về vốn do tài sản tăng giá trên thị trường…
  • Tính phức hợp: tài sản tài chính này có thể là tổ hợp của 2 hay nhiều loại tài sản tài chính khác, ví dụ: trái phiếu chuyển đổi là phức hợp của trái phiếu và quyền chọn.
  • Tính chịu thuế: tài sản tài chính có tính chất sinh lợi nên cũng được áp dụng thu thuế lợi tức

Chức năng của tài sản tài chính

Nếu tài sản hữu hình như nhà máy, đất đai… có chức năng chính là trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất thì tài sản tài chính cũng có vai trò riêng trên thị trường. Tài sản tài chính có 2 chức năng kinh tế cơ bản:

  • Di chuyển vốn thặng dư để đầu tư vào tài sản hữu hình: tài sản tài chính giúp di chuyển vốn nhàn rỗi từ nhà đầu tư sang nhà phát hành. Cả 2 đối tượng đều có lợi, nhà đầu tư sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để tạo ra lợi nhuận, còn nhà phát hành thì giải quyết được nhu cầu vốn của mình để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
  • Phân tán rủi ro: tài sản tài chính góp phần giúp cho nhà phát hành san sẻ được một phần rủi ro trong các hoạt động kinh doanh đến nhà đầu tư. Nhưng bù lại, để nhà đầu tư chấp nhận san sẻ rủi ro, họ sẽ đòi hỏi một tỷ suất sinh lợi kỳ vọng, rủi ro càng cao thì khoản lợi nhuận để bù đắp rủi ro càng lớn.

Ưu và nhược điểm khi đầu tư vào tài sản tài chính

Ưu điểm

  • Đa số các tài sản tài chính đều có tính thanh khoản cao, dễ dàng chuyển đổi sang tiền mặt.
  • Các tài sản tài chính được đầu tư và mua bán hợp lý sẽ đem về lợi nhuận rất lớn.

Nhược điểm

  • Giá cả các tài sản tài chính trên thị trường luôn luôn biến động, nếu không quản lý tốt hoạt động đầu tư sẽ rất dễ dẫn đến thua lỗ.
  • Một số tài sản tài chính có tính thanh khoản kém do không được mua bán nhiều trên thị trường, nếu sở hữu các tài sản này sẽ khó chuyển đổi sang tiền mặt khi cần, ví dụ như cổ phiếu của một công ty ít được quan tâm trên thị trường.
  • Tài sản tài chính tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, trong đó có:
  • Rủi ro tín dụng: rủi ro này xảy ra khi nhà phát mất khả năng thanh toán cho nhà đầu tư do làm ăn thua lỗ, phá sản…
  • Rủi ro tỷ giá: rủi ro này xảy ra với các tài sản tài chính được định giá bằng các loại ngoại tệ. Tỷ giá thay đổi theo hướng bất lợi sẽ làm mất giá các tài sản tài chính.
  • Rủi ro lãi suất: sự thay đổi của lãi suất trên thị trường tạo ra các rủi ro lãi suất cho tài sản tài chính. Ví dụ: một nhà đầu tư đang nắm giữ trái phiếu, khi lãi suất thị trường tăng, các nhà đầu tư khác thay vì đi mua trái phiếu thì họ lại chọn cách gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất tiền gửi cao hơn so với lợi tức thu được từ trái phiếu. Điều này làm cho cầu trái phiếu giảm, giá trái phiếu giảm. Nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu sẽ gặp phải rủi ro khi họ muốn bán lại số trái phiếu này cho người khác, lúc này giá bán ra sẽ thấp hơn so với lúc mua vào.

Đầu tư vào loại tài sản tài chính nào là phụ thuộc vào nhu cầu, sở thích và tiềm lực tài chính của mỗi nhà đầu tư. Nếu thích an toàn thì đầu tư vào trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi…, nếu mạo hiểm thì đầu tư vào cổ phiếu hoặc phái sinh, forex… Tuy nhiên, dù đầu tư vào bất kỳ tài sản tài chính nào cũng nên quản lý và kiểm soát tốt rủi ro.

Bài viết liên quan
Đòn bẩy tài chính là gì?
Đòn bẩy tài chính là gì?
16/08/2021

Đòn bẩy tài chính, một trợ thủ đắc lực trong các hoạt động đầu tư tài chính. Nếu sử dụng đòn bẩy tài chính hợp…

Định chế tài chính là gì?
Định chế tài chính là gì?
22/07/2021

Định chế tài chính – một khái niệm chỉ bao quát chung cho các tổ chức tài chính như Ngân hàng, Công ty môi giới…